Ở cương vị lãnh đạo, chắc chắn sẽ có lúc bạn sơ xuất mắc phải những sai lầm. Lẽ tự nhiên, thường thì người ta sẽ muốn quên nó, lấp liếm nó hoặc đổ lỗi cho ai đó, cái gì đó về những gì đã xảy ra. Nhưng một lãnh đạo tài giỏi thực sự sẽ không làm như vậy. Với tầm nhìn xa của mình, họ sẽ không chỉ biết cách xử lý tốt sai lầm đó mà còn thậm chí biến sai lầm đó thành cơ hội cho công ty.
Không ai là hoàn hảo và không ai là không một lần mắc sai lầm. Nhưng dù sai lầm đó to hay nhỏ, nghiêm trọng hay không thì bao giờ cũng vậy, chấp nhận đó là sai lầm thì dễ, nhưng thừa nhận sai lầm đó của mình thì không hề dễ chút nào.
Khi bạn làm lãnh đạo của công ty, bạn luôn xây dựng hình hình một người có sếp giỏi giang, có năng lực trong mắt cấp dưới, thế nhưng, đôi khi một sai lầm lại có thể phá hỏng tất cả công lao xây dựng ấy của bạn. Tuy nhiên, xây dựng và cố gắng bảo vệ hình ảnh của một Mr Right - một vị sếp lúc nào cũng đúng lại chính là sai lầm lớn nhất của một người lãnh đạo.
Chính vì thế trong cuốn sách của mình Failing Forward, John Maxwell đã nhìn những sai lầm mà người quản lý mắc phải giống như một cơ hội hơn là một thách thức, nếu như người quản lý có đủ bản lĩnh để điều khiển nó. "Trong cuộc sống, người ta sẽ không quan tâm nhiều lắm tới việc bạn liệu có thể mắc sai lầm hay không mà là ở cách bạn xử trí ra sao với những sai lầm ấy. Và quan trọng là bạn tiến lên hay lùi lại sau những sự cố ấy (nguyên văn: fail forward or backward)".
Khái niệm "fail forward" mà John Maxwell nhắc đến ở đây là sự ám chỉ tới cách mà bạn đối đầu với những thất bại mà bạn mắc phải, có sảy chân hoặc trượt ngã, nhưng không trượt tiếp hay nằm đó mà đứng dậy và tiếp tục tiến lên. Đó cũng là cách mà bạn sử dụng lỗi lầm của mình mang lại... lợi ích cho công ty, củng cố vị trí lãnh đạo, củng cố nhóm của mình... bằng những hành động xử lý sự cố hợp lý.
Nhận "tội"
Phản xạ đầu tiên của nhiều người khi mắc lỗi là hoặc lấp liếm nó hoặc đổ lỗi cho ai đó, thứ gì đó. Nhưng những phản ứng như thế này bao giờ cũng làm cho mọi chuyện trở thành "chuyện bé xé ra to" và làm cho tác hại của nó kéo dài hơn mức cần thiết.
Năm 1985, Coca-Cola bỗng nhiên thay đổi hẳn sản phẩm truyền thống, thay nhãn hiệu đồ uống nổi tiếng của mình bằng một sản phẩm mới mang tên New Coke. Ngay lập tức, sự thay đổi này đã vấp phải sự phản ứng kịch liệt, thậm chí giận dữ của người tiêu dùng toàn cầu.
Thay vì đổ lỗi cho đối thủ hay diễn biến thị trường tiêu thụ cho sự thất bại này của nhãn hàng New Coke, Coca-Cola đã dũng cảm thừa nhận, họ đã bỏ qua nhu cầu, sự gắn bó của người tiêu dùng với sản phẩm đồ uống truyền thống khi cho ra mắt nhãn hàng mới này. Một chiến lược đơn giản đã được lập ra để sửa chữa nó.
Quả thực, phải rất dũng cảm để thừa nhận mình là nguyên nhân gây ra một thất bại nào đó cho công ty nhưng đó là bước đầu tiên và quan trọng nhất và có hiệu ứng tích cực nhất trong trường hợp này.
Bắt tay nhau để xử lý sự cố
Bắt tay nhau để xử lý sự cố
Khi bạn đã thừa nhận lỗi lầm thì không có nghĩa là bạn làm cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn mà ngược lại, sẽ làm cho mọi thứ dễ chịu hơn. Hãy thử bàn bạc với đội của bạn làm cách nào để sửa chữa sai lầm càng nhanh càng tốt. Tất nhiên sẽ khó để thuyết phục những người trong đội cùng bắt tay với bạn sửa chữa một lỗi lầm mà có thể không phải do họ gây ra. Nhưng nếu bạn nghĩ được rằng đó là cách tốt nhất để bảo vệ đội của bạn, bảo vệ chính bạn thì bạn sẽ thấy mọi thứ trở nên "dễ nuốt" hơn nhiều.
Đừng quên một sự thật rằng bạn buộc phải tập hợp đội của mình chứ không thể tự sửa chữa, xử lý sự cố này một mình được.
Rút ra bài học
Những kinh nghiệm thương đau bao giờ cũng là những bài học "khó nuốt", nhưng cần phải "nuốt". Trừ phi đó là những sai lầm khủng khiếp, nghiêm trọng - những sai lầm mà bạn không có cơ hội học được nó mà chỉ giúp cho người khác nhìn vào đó để rút ra kinh nghiệm cho mình.
Ở cương vị lãnh đạo, sai lầm không phải là không thể xảy ra nhưng quan trọng là bạn rút ra được gì sau những sai lầm ấy. Hãy họp nhóm của bạn, tìm ra những điểm có thể học tập và rút kinh nghiệm để có thể áp dụng cho những chiến dịch sau của mình. Không có ai không bao giờ mắc sai lầm. Quan trọng là sai lầm đó có giá trị gì với họ sau này.
Lạc quan về sai lầm
Dù thế nào đi chăng nữa cũng nên nhìn sai lầm, sơ xuất của bạn trong một bức tranh tổng thể chung và đừng quá bi quan về nó. Đó chỉ là một sơ xuất trong một công đoạn của quá trình, chứ không phải là thế giới kết thúc. Thậm chí nó chỉ giống như một bước đi tất yếu đến với thành công và mục đích của bạn. Thực tế, đôi khi nó còn khơi gợi những ý tưởng mới mà trước đó vì nhiều lý do bạn đã vô tình không nhìn thấy.
Tuyệt đối không chùn chân
Khi bạn vấp phải một sai lầm thì không có nghĩa là bạn sẽ lùi lại một bước với nỗi lo sợ sẽ mắc thêm sai lầm một lần nữa. Theo lời giải thích của chuyên gia về nhân sự, ông Peter Drucker thì, "một vị sếp giỏi là vị sếp mà càng mắc sai lầm anh ta càng cố gắng thử nhiều hơn những cái mới".
Thêm vào đó, đừng giữ riêng cho mình quan điểm này. Hãy chia sẻ nó với đội của bạn để họ có thể quên đi nỗi chần chừ, lo ngại về việc mắc sai lầm trong tương lai. Đó là cách tốt nhất để sau này, khi các bạn có gặp phải những sai lầm tương tự hoặc không, bạn vẫn có thể chủ động trong mọi tình huống, tự tin và nhìn mọi việc tích cực, hơn là tạo ra gánh nặng cho các thành viên của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét